Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Chinh phục "sống lưng khủng long" rùng rợn trên đỉnh Tà Xùa

Chinh phục "sống lưng khủng long" rùng rợn trên đỉnh Tà Xùa

(iHay) Cùng theo dõi hành trình chinh phục "sống lưng khủng long" trên đỉnh Tà Xùa của một anh chàng phượt thủ.


Đường lên dãy Tà Xùa bắt đầu từ bản Tà Xùa (xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, Yên Bái). Từ trung tâm huyện vào bản Tà Xùa là quãng đường dài chừng 7km, nhưng để lên tới đỉnh cao nhất chỉ có một con đường đất độc đạo có độ dốc rất lớn là thử thách không dễ vượt qua dành cho bất kỳ ai muốn chinh phục.
Dãy Tà Xùa mọc lên sừng sững tạo nên ranh giới tự nhiên giữa Yên Bái và Sơn La, với ba đỉnh hợp thành một kỳ quan vô cùng hùng vĩ. Đỉnh cao nhất chính là nơi dựng cột cờ Việt Nam trên độ cao 2.850m, tại đỉnh thứ hai hiện vẫn còn dấu tích của cột cờ cũ vốn được dựng từ thời Pháp thuộc.
Đỉnh cao thứ ba nằm ở giữa, nó giống như vạch nối tạo thành sống lưng của một con khủng long thời tiền sử. Có hai tuyến đường để bạn có thể chinh phục “cái sống lưng” ấy, một là đường từ bản Tà Xùa ngược lên và con đường thứ hai được bắt đầu từ Bắc Yên. 
 Bản Tà Xùa đang vào mùa nước đổ
Rời bản Tà Xùa, khi con đường dẫn lên đỉnh Tà Xùa bắt đầu trở nên trơn và dốc thì cũng là lúc tới được bìa rừng. Có nhiều đoạn dốc dựng đứng, phải bấm cả tay chân lên mặt đất thì mới có thể bò lên được.
Thật may mắn vì đoàn chúng tôi đi vào thời điểm khô ráo, chứ nếu ướt mưa thì sẽ khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên kiểu thời tiết này được anh dẫn đường a Ku dự đoán là sẽ khó gặp biển mây.
Con đường dốc độc đạo vào chân núi Tà Xùa
Dọc đường chinh phục, đôi khi gặp phải nhiều đoạn có những vách đá nguyên khối nhô hẳn ra, tạo thành những vòm hang lớn, những người đi rừng nơi đây thường dùng để nghỉ đêm và cũng là nơi tránh mưa gió, sương lạnh.
Bạn sẽ đi qua một mỏm đá có hình dáng rất giống đầu rùa. Có rất nhiều đoàn chinh phục trước đây đã dừng chân chụp ảnh kỉ niệm tại nơi này. Chiếc đầu rùa này nằm ở độ cao 2.120m, cảm giác sẽ vô cùng lí thú khi gặp một “cụ rùa” trên núi như vậy.
 Được đứng trên mỏm núi đầu rùa này là một cảm giác rất thú vị
Tà Xùa có rất nhiều hoa. Ngoài những loài hoa rừng phổ thông như Đỗ Quyên trắng, hồng, đỏ, lùn, Táo Mèo, Bạch Châu…là vô số những loài hoa dại phủ kín rừng, triền núi.
Những bông hoa dại thuộc họ cúc màu trắng, trải dài ngút ngàn nằm sâu trong thung lũng. Nghe đâu nó mới chỉ xuất hiện nơi đây khoảng chục năm, sau những vụ cháy rừng lớn.
Miền hoa dại trắng đẹp đến kỳ ảo trong nắng chiều tà.
Hoa đỗ quyên trong nắng chiều
Lạc bước trong khu rừng ngập tràn hoa lá
Để tới được sống lưng khủng long phải mất tới hai ngày đi rừng. Bởi vậy chúng tôi đã cắm trại nghỉ đêm dưới gốc cây dẻ đang bung nở những đài hoa trắng đung đưa dưới ánh trăng mờ ảo.
Đêm trên núi, gió rừng gào thét thâu đêm. Và có lẽ bởi gió quá to nên sáng hôm sau trời khá quang đãng, biển mây trong niềm ngóng đợi của chúng tôi đã không có.
 Cắm trại trong rừng sâu
Dưới gốc cây dẻ đang bung nở những đài hoa trắng cùng ánh trăng mờ ảo
Khu rừng hoa đón ánh bình minh
Chút biển mây leo núi Tà Xùa 
Vượt qua khu rừng với những thân cây khô cháy trụi là những vách đá dựng đứng. Đến đây, vì không có đường nối sang hai đỉnh bên cạnh nên bạn sẽ phải bám vào vách núi để đu sang. Tay bám đá, bám cây mà lần mò như những con thạch sùng treo mình trên sườn núi.
 Trên sống lưng khủng long, mỏng như sống dao nhưng lại vô cùng hùng vĩ
Từ đây chỉ có con đường chênh vênh, mỏng như sống dao nhưng lại vô cùng hùng vĩ - bởi vậy những người dân nơi đây đã ví nó tựa như sống lưng khủng long, vắt từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Độ cao của sống lưng áng chừng 2.500m.
Để có thể đứng trên sống lưng gió lộng này, bạn phải bò, leo bằng cả tay, chân và phải lựa những lúc gió lặng mới có thể đến được. Thi thoảng những cơn gió như muốn thổi bay người, cả đoàn lại phải nằm rạp xuống. Nhìn lại đoạn đường gập ghềnh đã qua, chúng tôi vô cùng thích thú, với những trải nghiệm mới mẻ và đầy cảm xúc.
Với những cơn gió như muốn thổi bay người
Để lên đỉnh bạn phải leo bằng cả tay, chân
Tay bám đá, bám cây mà lần mò như những con thạch sùng treo mình trên sườn núi
 Trên đỉnh sống lưng, nhìn lại những đoạn đường gập ghềnh đã qua
Phượt ký của Ngô Huy Hòa

Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn

Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn

(iHay) Dãy núi Hoàng Liên Sơn nổi tiếng hiểm trở là nguồn cảm hứng cho rất nhiều dân du lịch ưa khám phá.

Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn - ảnh 1Những mỏm đá kỳ vĩ trên đường leo núi Tà Xùa 
Dãy Hoàng Liên Sơn chạy dài theo hướng tây bắc - đông nam, giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu kéo dài đến tận phía tây tỉnh Yên Bái. Dãy núi Hoàng Liên Sơn gồm ba khối: khối Bạch Mộc Lương Tử, khối Phan Xi Păng (Fansipan) và khối Pú Luông
Đầu xuân thời tiết ấm áp sẽ là thích hợp nhất cho những chuyến leo núi Hoàng Liên Sơn. Tuyệt vời hơn nữa là vào mùa này, bạn sẽ rất dễ thấy được những biển mây bồng bềnh dưới những đỉnh núi cao.
Fansipan: 3.143m
Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn - ảnh 2Đường leo Fan qua rừng thảo quả
Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn - ảnh 3Trập trùng mây và núi
Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn - ảnh 4 Rất nhiều người chinh phục Fansipan mỗi năm 
Để lên đến "nóc nhà" của Đông Dương này có 4 đường leo theo các hướng từ Trạm Tôn, Cát Cát, Sín Chải và Lai Châu. Đường leo Fansipan đã được khai thác du lịch từ lâu, với tuyến đường phổ thông nhất từ Trạm Tôn. Khung cảnh đa dạng và thảm thực vật phong phú khiến cho Fansipan trở thành là điểm du lịch hấp dẫn.
Phu Ta Leng: 3.096m
Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn - ảnh 5Đỉnh Phu Ta Leng thấp thoáng trong mây 
Phu Ta Leng cũng nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn và ở phía tây bắc của đỉnh Fansipan. Giữa hai đỉnh núi này có đèo Hoàng Liên (Ô Quy Hồ) và đường quốc lộ 4D chạy qua, đi từ Lào Cai sang Lai Châu. Đỉnh Phu Ta Leng vô cùng hoang vu, hiểm trở và từ lâu vắng dấu chân người. Gần đây, đường leo núi mới được khai phá và trở thành điểm thu hút dân du lịch khám phá.
Phu Si Lung: 3.076m
Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn - ảnh 6Dãy núi hiểm trở nằm giáp biên giới 
Phu Si Lung nằm ở tây bắc tỉnh Lai Châu, giữa sông Đà và thượng nguồn sông Nậm Na (phụ lưu tả ngạn sông Đà), gần biên giới Việt – Trung, cách Mường Tè khoảng 28km. Đây cũng là nơi cư trú của tộc người La Hủ, một dân tộc ít người với lối sống du canh du cư. Hiện tại vẫn chưa có nhóm nào chinh phục được đỉnh vì đường đi quá dài và hiểm trở lại nằm ở vùng biên giới phức tạp.
Bạch Mộc Lương Tử: 3.040m
Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn - ảnh 7Đường leo Bạch Mộc giống như lên trời vậy
Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn - ảnh 8Những đảo núi trên sóng mây trập trùng
Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn - ảnh 9Ngỡ ngàng với đại dương mây
Khối Bạch Mộc Lương Tử với đỉnh cao nhất trên 3.000m và là ranh giới tự nhiên giữa Lai Châu và Lào Cai. Núi mới được khai phá năm 2012 nhưng vẫn còn rất bí ẩn. Núi có 2 đường leo với địa hình đa dạng, hướng leo từ Dền Sung Lai Châu và từ Sàng Ma Sáo, Mường Hum, Lào Cai. Hướng leo từ Lào Cai qua núi Muối cũng là nơi quang đãng và là địa điểm ngắm đại dương mây lý tưởng.
Ngũ Chỉ Sơn: Trên 3.000m
 Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn - ảnh 10Ngũ Chỉ Sơn phủ trong tuyết trắng - Ảnh: Kaile
Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn - ảnh 11Ngũ Chỉ Sơn trong ráng chiều - Ảnh: Nguyễn Hoàng Long
Ngũ Chỉ Sơn là tên của một dãy núi tọa lạc ở xã Tả Giàng Phình, huyện Bát Xát, (Lào Cai). Ngũ Chỉ Sơn bao gồm 5 ngọn núi chính như bàn tay khổng lồ vươn lên trời xanh, chạy theo hướng tây bắc - đông nam. Tên dãy núi Ngũ Chỉ Sơn còn được đặt tên cho một đường phố chính ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai). Theo nhiều người thì đây là ngọn núi đẹp nhất vùng Tây Bắc với khung cảnh hoang sơ và hình thù độc đáo.
Phu Song Sung (Tà Chí Nhù): 2.971m
Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn - ảnh 12Đường lên đỉnh Tà Chí Nhù qua nhiều đồi cỏ
Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn - ảnh 13Đây cũng là nơi săn biển mây ưa thích với nhiều dân du lịch
Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn - ảnh 14Những thảo nguyên cỏ với những đàn ngựa thả hoang dã
Tà Chí Nhù hay còn gọi là Phu Song Sung là ngọn núi thuộc khối Pú Luông nằm trên địa bàn xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu và cách Nghĩa Lộ chừng 30km.
Núi với địa hình thoải, không quá khó leo và khi lên cao có những đồi cỏ trải dài, nhìn từ xa dãy núi như sống lưng ngựa vậy. Những đàn ngựa được nuôi hoang dã khiến cho nơi đây như  thảo nguyên của dân du mục vậy. Ngoài ra đây cũng là nơi có những biển mây đươc nhiều dân duc lịch săn đón, khám phá.
Tà Xùa: 2.865m
Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn - ảnh 15Đường lên núi Tà Xùa
Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn - ảnh 16Khung cảnh đa dạng với những đồi cỏ hoa và rừng nguyên sinh
Chinh phục những 'nóc nhà' trên dãy Hoàng Liên Sơn - ảnh 17Những dãy núi đỉnh nôi đỉnh được ví như sống lưng khủng long 
Đường lên dãy Tà Xùa bắt đầu từ bản Tà Xùa (xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, Yên Bái). Dãy Tà Xùa  là ranh giới tự nhiên giữa Yên Bái và Sơn La, với ba đỉnh hợp thành một kỳ quan vô cùng hùng vĩ. Những dãy núi với đỉnh nối đỉnh, chênh vênh và kỳ vĩ được ví như sống lưng khủng long bạo chúa vậy. Địa hình núi leo rất dốc và trải qua nhiều dạng địa hình phong phú.
Phượt ký của Ngô Huy Hòa

“Thung lũng chết” khủng khiếp trên dãy Hoàng Liên Sơn


“Thung lũng chết” khủng khiếp trên dãy Hoàng Liên Sơn


Thuộc chuyên đề:  Loạt phóng sự hấp dẫn về "người rừng" ung thư Trần Ngọc Lâm
(VTC News) - Để lời cảnh báo về nguy cơ cháy đại ngàn Hoàng Liên Sơn có sức thuyết phục, “người rừng” Trần Ngọc Lâm đã dẫn tôi lặn lội nhiều ngày trời đi tìm “thung lũng chết”. Nơi đó, đã từng xảy ra thảm họa cháy rừng khủng khiếp, còn lớn hơn cả trận cháy ngót ngàn ha pơ-mu ở cuối dãy Hoàng Liên vào năm 2010.

Thảo quả diệt… rừng già

Sau 2 ngày trời cuốc bộ, lang thang khắp lãnh địa từng là đại ngàn của loài pơ-mu ngàn năm khổng lồ, nhưng không còn thấy sự tồn tại của chúng nữa, tôi và “người rừng” Trần Ngọc Lâm đã cuốc bộ vòng sang phía huyện Than Uyên (Lai Châu), xuyên qua đại ngàn vân sam hùng vĩ để đi tìm “thung lũng chết”. 

Ông Lâm kể rằng, Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn thường xuyên xảy ra thảm họa cháy rừng, nhưng không phải ai cũng biết. 

Cây anh đào nở hoa giữa cánh rừng cháy. 

Mới 4h sáng, sau một đêm nằm trong túi ngủ, co ro dưới gốc loài anh đào khổng lồ nở hoa đỏ rực, ông Lâm đã đánh thức tôi dậy. Theo lời ông Lâm, loài anh đào ở Nhật Bản chỉ là hạng con cháu của anh đào Fansipan. Loài anh đào mọc trên độ cao hơn 2.000m này, cây nào cây nấy đều là cổ thụ, gốc lớn đến nỗi hai người ôm mới xuể, tuổi đời hàng trăm năm. 

Mọi thứ trước mắt vẫn là bóng đêm mù mịt. Những chiếc đèn pin mang theo chẳng có tác dụng gì, vì ánh sáng không xuyên nổi qua lớp mây mù dày đặc. 

Sống trong rừng hơn chục năm nay, nên bóng đêm chẳng có nghĩa lý gì với ông Lâm cả. Ông bảo, cứ nhắm mắt, bằng sự cảm nhận, ông cũng có thể đi khắp đại ngàn Hoàng Liên Sơn. 

"Thung lũng chết" trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn. 

Vượt qua thung lũng, lên sườn một đỉnh núi thì mặt trời cũng ló dạng, gió thổi ầm ầm. Gió lớn nên mây mù chìm hết xuống thung lũng, không vượt lên khỏi sườn núi được. Mặt trời vượt khỏi đỉnh núi, sương mù tan nhanh chóng.

Trong suốt hành trình nhiều ngày cuốc bộ xuyên đại ngàn Hoàng Liên Sơn, điều tôi nhận ra, đó là khắp nơi đều xuất hiện vườn thảo quả. Những khu vườn thảo quả mọc um tùm ở khe suối, dưới tán những cây cổ thụ. 

Lối vào những khu vườn thảo quả đều có cắm một cành cây hình chữ thập. Người Mông đánh dấu như thế để khẳng định chủ quyền, nghĩa là họ đã… thả ma vào vườn, cấm xâm phạm. 

Những thân cây cháy rồi nhưng vẫn để lại lõi khổng lồ. 

Thi thoảng, giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn lại xuất hiện những trảng cỏ rộng ngút tầm mắt, giống như thảo nguyên. Theo lời ông Lâm, trước đây, không hề có những “thảo nguyên” này. 

Để trồng được thảo quả, người ta phải đốt sạch cây nhỏ, nhưng để lại cây lớn làm tán che nắng. Loài thảo quả chỉ sống được trong môi trường ẩm ướt, bóng râm. Tuy nhiên, loài thảo quả lại tiết vào đất một loại dịch rất độc, khiến những cây cổ thụ cũng phải héo hon rồi chết. 

Khi cây cổ thụ chết đi, ánh sáng chiếu xuống, thảo quả cũng chết theo. Để có đất trồng thảo quả, người ta lại đi phá những khu rừng khác. Khu vực từng trồng thảo quả biến thành trảng cỏ, một khu rừng chết. 

Điều đáng ngại là chất độc do thảo quả tiết ra tồn tại rất lâu trong đất nên rừng rất khó tái sinh. Như vậy, theo ông Lâm, trồng thảo quả là cách phá rừng hợp pháp và tàn khốc nhất.

Cháy rừng lộ đường đi của lâm tặc. 

Tận mắt sự đau thương ở “thung lũng chết” 

Sau một ngày cuốc bộ, xuyên qua những cánh rừng thảo quả, rừng trúc, rừng chè cổ thụ mọc hoang, mà cây nào cũng to 1-2 người ôm, đến chiều tối, thì chúng tôi gặp lán nghỉ, nằm trên độ cao 2.200m, nơi dừng chân đầu tiên của những người chinh phục đỉnh Fansipan theo hướng Trạm Tôn. 

Từ đây, tôi và ông Trần Ngọc Lâm tiếp tục cuốc bộ theo đường mòn lên Fan. Trèo đến độ cao 2.500m, ông Trần Ngọc Lâm bảo dừng lại nghỉ ngơi. 

Đứng trên mỏm núi, nhìn ra tứ phía, chỉ thấy mây mù bao phủ, trùm kín thung lũng, ngay dưới chân mình. Đột ngột, những cơn gió lớn thổi đám mây vọt từ thung lũng qua dãy núi, để lại một khoảng không sáng rực. Ông Lâm chỉ tay qua khoảng không trong vắt ấy và bảo sẽ đi hướng đó. 

 

Nhìn xuyên qua khoảng không, thấy một thung lũng xám xịt, với những thân cây cháy đen tua tủa. Ông Trần Ngọc Lâm gọi đó là “thung lũng chết”. Một lát sau, những đám mây khác lại tràn đến, phủ kín “thung lũng chết”.

Từ độ cao này, chúng tôi vạch rừng rẽ trái để đi. Không có đường mòn, chúng tôi phải bám vào vách đá, dây leo để hết tụt xuống, lại bò lên. 

Thú thực, trong mỗi chuyến đi rừng, thứ tôi hãi nhất là vắt và rắn độc. Những con vắt chui vào chân, bò vào người, hút máu ễnh bụng mới chịu nhả ra ám ảnh cả trong giấc mơ trong những đêm ngủ giữa đại ngàn. 

 

Rất may, trên độ cao này, trong cái lạnh đến mức đóng băng, vắt không sống được, mà rắn thì đi ngủ đông cả, nên dù có gặp chúng, trông chúng cũng chẳng khác gì khúc củi, cứng queo như bị đông lạnh, có thể nhặt về mà ngâm rượu cũng chả sợ bị cắn!

Con đường vào “thung lũng chết” xuyên qua khu rừng trúc kỳ lạ, nó như một cái hang rồng. Tôi mường tượng ra cảnh, một con rồng, với cái bụng có đường kính tới 2m thường xuyên bò qua khu rừng trúc này, khiến những cây trúc bị uốn cong thành một cái hang. 

 

Đang định thắc mắc thì nghe tiếng ào ào như có bão. Ông Lâm hét lên: “Nhảy vào rừng trúc”. Tức thì, tôi vạch bừa trúc để thoát khỏi “hang rồng”. Đúng lúc đó, một đàn “trâu rừng” hùng hổ chạy qua. Lúc này, tôi mới hiểu, con đường như hang rồng này là do đàn trâu thả rông trong rừng đi lại nhiều mà thành.

Cuốc bộ đến tối thì chúng tôi đặt chân đến “thung lũng chết”, cái tên đầy sự đau đớn, u tối mà ông Lâm đặt ra. Ông Trần Ngọc Lâm đốt lửa sưởi ấm, xua thú dữ cho một đêm ngủ vùi ngay tại thung lũng của sự chết chóc.

Sớm hôm sau, khi mặt trời lên khỏi đỉnh núi, mây mù tan nhanh, những thân cây khổng lồ, cháy đen hiện ra thật hùng dũng dưới những tia nắng mặt trời.

 
 

Có những thân cây bị ngọn lửa đỏ nung, cháy hết lớp gỗ, còn trơ lại lớp lõi cứng như đá. Lớp lõi này cứng đến nỗi ngọn lửa không thiêu cháy nổi, đủ biết chúng là gỗ cực quý. 

Riêng phần lõi còn lại của những thân cây bị cháy cũng to 2-3 người ôm mới xuể. Toàn bộ thung lũng rộng cả trăm ha, rồi trải dài hết rông núi nọ đến rông núi kia, không còn một cây cổ thụ nào sống sót. 

Theo ông Trần Ngọc Lâm, ngọn lửa đã nung thung lũng này suốt nhiều ngày, khiến những thân cây cháy xuống tận gốc, rễ, các loài cỏ, dây leo cũng cháy sạch. 

Khắp các rông núi là hình ảnh đại thụ cháy đen xì. 

Suốt mấy năm qua, kể từ sau vụ cháy thung lũng này, loài trúc lùn, thứ trúc kỳ lạ, đặc biệt của Hoàng Liên Sơn, chỉ bé bằng cọng tăm, cao đến đầu gối, mới bắt đầu mon men mọc tràn từ các đỉnh núi xuống. 

Phía dưới thung lũng, những thân cây cháy đen đứng trơ trọi giữa trời. Những đại thụ mọc bám trên đá, rễ ăn nổi, nhanh mục nát thì đổ kềnh ngổn ngang. Thậm chí, có thân cây đổ xuống mạnh đến nỗi bật cả gốc, chổng cả rễ lên trời. 

Ông Lâm kể, sống trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn, ông thường xuyên được nghe những tiếng ầm ầm như núi lở. Thực ra, đó là tiếng đổ của những thân cây khổng lồ bị cháy nặng hàng chục tấn. Có những cây lớn, mọc cheo leo trên vách đá, lúc đổ xuống thung lũng, nghe như tiếng sấm.

Cây cháy đổ chổng rễ lên trời. 

Theo lời ông Lâm, cách đây chục năm, ngọn lửa xuất phát từ thung lũng này đã tạo ra một vụ cháy rừng vô cùng khủng khiếp. Đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, chưa xác định được kẻ gây ra thảm họa. Thậm chí, người ta còn đổ cho sấm sét. Và chẳng còn ai nhớ tới vụ cháy rừng ấy nữa. 

Tuy nhiên, ông Lâm khẳng định, hầu hết những vụ cháy rừng trong Hoàng Liên Sơn đều là do con người, mà chủ yếu xuất phát từ chuyện đốt nương làm rẫy. 

“Thung lũng chết” này vốn là một khu rừng già, cả triệu ngàn năm nay không có dấu chân người. Vì dưới thung lũng có một con suối chảy qua, phù hợp với việc trồng thảo quả, nên đồng bào Mông đã tìm vào đây phát rừng làm nương. 

 

Ông Lâm đã nhiều lần đi qua khu vực này và ông đã từng vô cùng sửng sốt khi phát hiện ra cả một cánh rừng toàn cây gỗ khổng lồ, to vài người ôm. 

Lớn nhất là những cây dẻ, kháo vàng, nghiến và đặc biệt là những cây họ nhà thông, trong đó quý hiếm nhất là thủy tùng, vân sam, hai loài cây sắp tuyệt chủng trên toàn thế giới. 

Với điều kiện môi trường khắc nghiệt, những thân cây cổ thụ khổng lồ mọc trên độ cao này, đều có tuổi cả ngàn. Thế nhưng, thật là đau xót, khi chỉ một tàn lửa lạc gió của những kẻ vô tình, cả thung lũng đại thụ và hàng chục ngọn núi bao quanh, hàng ngàn héc-ta rừng đã bị cháy trụi. 

 

Xuất phát từ “thung lũng chết” tôi và ông Trần Ngọc Lâm trèo lên một mỏm núi cao 2.500m, phóng tầm mắt ra tứ phía, chỉ thấy rừng trúc bạt ngàn và những thân gỗ cháy đen nham nhở sừng sững vượt lên khỏi lớp rừng trúc. 

Sau mỗi cuộc thiêu đốt đại ngàn, loài trúc lại mọc lan ra, lấp kín và biến cánh rừng đã từng tồn tại cả triệu năm nay thành một rừng trúc khổng lồ, ken dày. Không một loài cây nào có sức sống khủng khiếp như loài trúc. Khi loài trúc đã chiếm lãnh địa, thì chẳng cây gì mọc lên được nữa.

Sau một ngày lang thang ở “thung lũng chết”, chụp cả ngàn kiểu ảnh, đủ các loại hình thù chết chóc, tôi rời đại ngàn Hoàng Liên Sơn trong nỗi ám ảnh nặng nề. 

 

Trên dọc đường về, cứ mỗi lúc trông thấy đỉnh Đầu Rồng hiện ra sau điệp trùng núi non, “người rừng” Trần Ngọc Lâm lại nheo mắt nhìn, rồi lắc đầu buồn bã: “Chẳng thấy tín hiệu báo mưa gì cả, mà lại đang là mùa sấy thảo quả. Tình hình này chắc chắn rừng sẽ cháy. Có giời mà cứu!”. Theo ông Lâm, ông cứ nhìn cái đỉnh Đầu Rồng là biết trời mưa hay nắng trong thời gian tới. 

Tôi trở về Hà Nội và dự định sẽ kể lại cuộc hành trình đi tìm “thung lũng chết” nhằm cảnh báo tình trạng phá rừng, đốt nương và hiểm họa cháy rừng như lời “tiên tri” của “người rừng” Trần Ngọc Lâm. Thế nhưng, tôi vừa đặt chân về Hà Nội, thì ngọn lửa đã bùng lên thiêu đốt đại ngàn Hoàng Liên ở độ cao 2.800m, nơi tôi và ông Lâm vừa đi qua. 

Ngọn lửa oan nghiệt ấy cũng đã thiêu rụi cả vườn thuốc quý do công sức ông Lâm gieo trồng, chăm sóc trong cả chục năm qua. 

Lại có thêm những “thung lũng chết”, những “ngọn núi chết” trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn.

Phạm Ngọc Dương

Hùng vĩ và thơ mộng những ngọn núi ở Lào Cai


Hùng vĩ và thơ mộng những ngọn núi ở Lào Cai
LCĐT - Núi non Lào Cai trùng trùng điệp điệp, nơi đây có nhiều ngọn núi cao và đẹp nhất Việt Nam và vùng Tây Bắc nằm trên dãy núi Con Voi và dãy Hoàng Liên Sơn.

Đỉnh núi Phan Xi Păng cao nhất Việt Nam nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, nhìn từ thị trấn Sa Pa.
Lào Cai là một trong số ít những địa phương ở miền núi phía Bắc Việt Nam có địa hình chia làm hai vùng cao, thấp khác nhau. Vùng núi cao hùng vĩ, hiểm trở tập trung ở phía Bắc tỉnh gồm các huyện: Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai. Vùng rừng núi trung bình tập trung ở phía Nam và Tây Nam tỉnh gồm các huyện: Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn và thành phố Lào Cai nằm ở phía Bắc tỉnh. Núi non Lào Cai trùng trùng điệp điệp và nơi đây có nhiều ngọn núi cao và đẹp nhất Việt Nam và vùng Tây Bắc nằm trên dãy núi Con Voi và dãy Hoàng Liên Sơn.

Núi Hàm Rồng (Sa Pa)
Hùng vĩ nhất và nổi tiếng nhất vẫn là dãy Hoàng Liên Sơn chạy dài từ Sa Pa xuống Văn Bàn và tỉnh Yên Bái. Nơi đây có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 mét được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương" và "Nóc nhà Việt Nam". Tiếp đến là đỉnh núi Ngũ Chỉ Sơn cao 3.090 mét có năm ngọn núi vươn lên trời như bàn tay khổng lồ giơ cao lên trời xanh. Ngũ Chỉ Sơn là ngọn núi cao thứ nhì Việt Nam và đây cũng là một trong những ngọn núi đẹp nhất Lào Cai. Trên dãy Hoàng Liên còn có các đỉnh núi cao nổi tiếng khác như: đỉnh Pu Luông (2.985 mét), đỉnh Lùng Cúng (2.913 mét), đỉnh Xi Giơ Pao (2.876 mét), đỉnh Sa Phình (2.871 mét), đỉnh Bá Muông (2.500 mét), đỉnh Pú Một (2.132 mét), đỉnh Pú Gia Lan (1.458 mét)... Trong số đó đỉnh núi Pú Gia Lan khá nổi tiếng vùng đất Văn Bàn từ lâu vì gắn với chiến tích của khu du kích cách mạng cùng tên thời kháng chiến chống Pháp và truyền thuyết núi Bà cháu...

Đỉnh núi Ngũ Chỉ Sơn hùng vĩ ở địa phận xã Tả Giàng Phình, huyện Sa Pa.
Vùng đất phía Đông tỉnh có dãy núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ từ tỉnh Hà Giang vươn sang Bắc Hà - Si Ma Cai đã tạo nên những đỉnh núi cao nơi đây như: Tả Củ Tỷ (1.856 mét), Quan Thần Sán (1.800 mét), Lầu Thí Ngài (1.638 mét)... Đặc biệt, ở thị trấn huyện lỵ Bắc Hà có núi Ba Mẹ Con, núi Cô Tiên tạo nên phong cảnh hữu tình của vùng du lịch nổi tiếng gắn với truyền thuyết sự hình thành của ngọn núi.

Dãy núi Cao Sơn (Mường Khương) và dãy núi Con Voi (Bảo Yên) chạy gần như song song với dòng sông Hồng và sông Chảy thơ mộng là quê hương bao đời nay của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Núi Cao Sơn uốn lượn.
Hầu như huyện nào, vùng nào cũng có một ngọn núi là biểu tượng của địa phương mình với bao câu chuyện huyền thoại bi hùng như: núi Cô Tiên ở huyện Mường Khương, núi Ba Mẹ Con ở thị trấn Bắc Hà, núi Pú Gia Lan ở huyện Văn Bàn, núi Nhìu Cồ San ở vùng cao huyện Bát Xát, núi Nhạc Sơn ở thành phố Lào Cai...

Danh thắng núi Cô Tiên (Mường Khương)
Núi rừng Lào Cai tạo nên những bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp mỗi sớm mai mây bay đỉnh núi hoặc ánh hoàng hôn khi chiều buông. Đó là "sản phẩm du lịch" có một không hai ở vùng cao Lào Cai và vùng Tây Bắc luôn thu hút du khách xa gần và các văn nghệ sỹ tới thăm, khám phá, sáng tạo ra những tác phẩm văn học - nghệ thuật để đời.

Núi Ba Mẹ Con (Bắc Hà).
Trong số đó, leo núi chinh phục đỉnh Phan Xi Păng, leo núi thăm khu du lịch sinh thái Hàm Rồng (Sa Pa) và đi bộ chinh phục đỉnh núi Ba Mẹ Con (Bắc Hà) đã và đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách quốc tế và du khách trẻ Việt Nam.
Theo: Báo Lào Cai